Thiết kế
Được coi là phiên bản rút gọn của 2 đàn anh là Inspiron 14 7000 Series và Inspiron 15 7000 Series, Dell Inspiron 11 3000 Series (chính xác là Inspiron 3137) ngoài việc bị cắt giảm cấu hình, kích thước thì nó còn được trang bị lớp vỏ nhựa giả kim loại màu bạc nhằm giảm giá thành và trọng lượng, lớp sơn giả kim này hơi nhám nhẹ để chống bám vân tay, được Dell phủ một lớp cao su non mỏng nên khi cầm khá dễ chịu. Nằm chính giữa là logo Dell bằng kim loại.
Không vì sự cắt giảm về thiết kế và cấu hình mà nó kém phần sang trọng, nhìn tổng thể Inspiron 3137 vẫn toát lên sự thanh thoát, gọn gàng và không kém phần lịch lãm nhờ thiết kế truyền thống "sắc gọn" của Dell, với độ dày xấp xỉ 2cm.
Cụ thể, các mép vát và đường biên đều được Dell trau chuốt khá kỹ càng, khe giao giữa mép vỏ ngoài (màu xám) và phần bao thân máy phía trong (màu đen) rất khít, gần như kín kẽ, chứng tỏ Dell rất chú trọng các chi tiết khi gia công.
Các góc có độ vát nhẹ, đủ để cảm thấy không quá "cứng" với nữ giới nhưng vẫn đủ nam tính cho phái mạnh sử dụng.
Ngay cả phần "nữ tính" nhất là mép trên cạnh bản lề, được uốn cong nhẹ nhưng cũng không quá "mềm mại". Một phần do Dell vẫn cố gắng giữ nguyên kiểu thiết kế xuyên suốt trong series sản phẩm mới này: vuông vắn và đơn giản.
Nhìn từ phía sau, ai cũng tưởng khe tản nhiệt chính nằm ở đáy của máy với một dải khe trải dài. Nhưng khi quan sát kỹ và cảm nhận nhiệt độ tỏa ra từ máy thì sẽ thấy khe tản nhiệt được bố trí kín đáo nằm ở ngay dưới bản lề, luồng khí nóng bên trong máy được thổi ra từ đây.
Còn khe phía dưới máy chủ yếu là để thông hơi và hút gió mát từ bên ngoài vào. Thiết kế này khá tinh tế, nhưng nhiệt độ tỏa ra chưa tối ưu nên khi hoạt động liên tục và tần suất cao thì phần thân máy ở vị trí bàn phím tỏa nhiệt khá nhiều.
Góc mở tối đa của màn hình chỉ được tầm 135 độ, và khi mở tối đa 2 mép ở bản lề được khép kín, nhìn từ bên cạnh tạo thành một đường viền liên tục.
Phía bên trái bố trí giắc cắm nguồn, 1 cổng HDMI, 1 cổng USB 2.0, 1 cổng USB 3.0 và ngõ headphone/micro.
Bên phải Dell bố trí 1 jack RJ45, 1 cổng USB 3.0 và khe đầu đọc thẻ 5 in 1.
Phía trước không có gì đặc biệt ngoài một đèn LED màu trắng đục, để hiển thị tình trạng pin và tần suất đọc ổ cứng.
Phía dưới máy có biểu tượng chứng thực hợp chuẩn Windows 8 và ghi rõ chi tiết đời máy cùng các thông số khác.
Màn hình
Màn hình của Dell từ trước tới nay vẫn được đánh giá cao về khả năng hiển thị màu trung thực (nhất là sau khi chuẩn hóa bằng thiết bị đo màu chuyên dụng), và màn của Inspiron 3137 cũng không phải là một ngoại lệ. Độ phân giải HD 1336x768 pixels không quá sắc nét nhưng cũng vừa đủ để hiển thị hình ảnh rõ ràng và chi tiết, không như các netbook thường dùng độ phân giải 1024x600 pixels.
Bên cạnh đó, máy có lợi thế cảm ứng điện dung đa điểm (10 ngón) và màu sắc khá trung thực, sử dụng công nghệ đèn nền LED TrueLife để cải thiện khả năng hiển thị hình ảnh, góc nhìn khá tốt nên không có gì phải phàn nàn về màn hình của Inspiron 3137 trong tầm giá này.
Xét về cảm ứng thì Dell Inspiron 11 3000 Series tất nhiên không đủ nhạy để bạn sử dụng như một cái bảng vẽ Wacom nhưng cũng đủ đáp ứng tốt các tác vụ cơ bản của Windows cũng như các thao tác với ứng dụng (*). Tuy nhiên, do sử dụng màn hình cảm ứng nên sau một thời gian sử dụng sẽ dễ bị bám vân tay và mồ hôi, do đó bạn cần thủ sẵn dụng cụ để vệ sinh và lau màn hình.
Điểm trừ có lẽ là nó sử dụng màn hình gương, hơi khó nhìn ở môi trường nhiều đèn hoặc ánh sáng phản chiếu vào. Có điều khi sử dụng thực tế tôi thấy cũng không ảnh hưởng nhiều lắm.
Âm thanh
Inspiron 3137 bố trí loa ở mặt sau, ở mép vát chéo để tránh bị giảm âm khi đặt máy lên mặt phẳng, tuy chỉ chiếm diện tích khá khiêm tốn nhưng chất lượng âm thanh của nó có thể khiến chúng ta ngạc nhiên. Có lẽ đây là một trong những laptop mini có âm thanh rất khá, ngoài âm lượng khá lớn thì chất lượng âm thanh rất đáng để khen ngợi. Bởi ai cũng biết, hầu hết các laptop mini đều rất ít khi chú trọng loa và chất lượng âm thanh.
Cụ thể, loa của máy cho âm thanh khá trong kể cả khi nghe ở mức âm lượng lớn, âm chắc, bass và treble cân bằng vừa phải, 2 kênh khá tách bạch. Có lẽ đây là điểm mạnh mà công nghệ Waves MaxxAudio 4 mang lại cho chiếc laptop Inspiron 3137 này.
Bàn phím và touchpad
Bàn phím kiểu chiclet được thiết kế khá kỹ, dạng phím bo nhẹ ở các góc có lẽ để thêm phần mềm mại và cảm giác rộng rãi giữa các phím. Độ nổi nhẹ, vừa đủ để sử dụng, độ nảy chưa cao. Dù đã cố gắng nhưng diện tích bị thu hẹp nên việc sử dụng bàn phím trên Inspiron 3137 phải mất một thời gian để làm quen, phím Enter có diện tích bé và khó nhận diện, nhất là 4 phím điều hướng nhỏ và khá bất tiện. Thậm chí vì các phím màu đen và không có đèn LED, lại có diện tích nhỏ nên trong điều kiện thiếu sáng (như buổi tối) sẽ rất khó định vị phím để gõ, trừ khi có thời gian làm quen đủ lâu để tạo thành kỹ năng và thói quen.
Windows 8 có đưa ra giải pháp bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng, nhưng tôi thấy việc thực thi còn khá bất cập. Cụ thể là theo mặc định, khi bấm vào trình soạn thảo trên web hoặc đơn giản chỉ là nhập vào ô địa chỉ thì giao diện bàn phím ảo cũng được kích hoạt và bật lên, dù tôi có cần hay không? Mặc dù có thể tắt sau đó nhưng dẫu sao sự hoán đổi này cũng gây ra không ít bất tiện.
Điểm có thể nhận thấy rõ nhất về thiết kế touchpad đó chính là diện tích khá rộng rãi, tuy nhiên khi sử dụng đôi khi hơi có sự "lệch pha" nhẹ, bởi bàn phím nhỏ và màn hình nhỏ nên cảm giác touchpad lớn hơi lạ. Độ nhạy của touchpad cũng ở mức khá và hỗ trợ cảm ứng đa điểm cùng các cử chỉ tay nên dễ dàng thao tác, nhưng với màn hình cảm ứng thì đôi khi tính năng này hơi thừa.
Có một vài điều hơi bất tiện đó chính là thao tác vuốt ngang touchpad đôi khi bị hiểu nhầm là chuyển đổi cửa sổ/chương trình làm việc, nên đôi khi bạn vuốt touchpad qua phải hoặc qua trái thì cửa sổ ứng dụng của bạn cũng bị chuyển qua ứng dụng đang chạy khác, dù thao tác vuốt ngang của bạn chỉ là để xem nội dung/chọn nội dung bình thường thôi. Đây có thể là do sự hiểu nhầm của Windows, nhưng dẫu sao đôi khi cũng làm chúng ta cảm thấy khó chịu.
Tính năng
Máy được cài sẵn Windows 8 64-bit bản quyền, kèm theo các phần mềm tiện ích của Dell như Dell Audio, Dell Touchpad, Dell Backup and Recovery. Ngoài ra, các tiện ích phần mềm của các hãng thứ ba cũng được Dell cài sẵn gồm: Phần mềm diệt virus McAfee, Intel Rapid Storage Technology, Intel HD Graphics, các trình điều khiển (driver) cơ bản.
Chất lượng cảm ứng ở mức khá, các thao tác với Windows 8 và các ứng dụng trên màn hình cảm ứng của Inspiron 3137 không gặp khó khăn gì, ngoại trừ bàn phím ảo xuất hiện khi nhập liệu đôi khi có thể gây cảm giác khó chịu (bạn có thể tắt nó).
Các phần mềm đi kèm của Dell hoạt động âm thầm nhằm cải thiện hiệu năng và tối ưu máy khá hiệu quả, tuy nhiên vẫn không có giao diện tiếng Việt trong các cảnh báo/trợ giúp người dùng.
Chất lượng bắt sóng WiFi và các cổng kết nối khác của máy ở mức bình thường (tức là không quá mạnh nhưng chấp nhận được). Điều đáng chú ý là máy được trang bị tới 3 cổng USB, trong đó có 2 cổng USB 3.0 tốc độ cao.
Máy được trang bị microphone và webcam đầy đủ để thực hiện các cuộc gọi video, chất lượng microphone không có gì đáng bàn. Còn webcam của máy đạt mức 720p, theo thử nghiệm của chúng tôi thì chất lượng hình ảnh thu được ở mức khá trong điều kiện ánh sáng văn phòng (có nhiều đèn phản chiếu).
Cụ thể, hình ảnh từ webcam có cảm giác khá mịn nhưng cũng vì vậy mà hơi thiếu chi tiết. Tuy nhiên, với những hạn chế về chất lượng internet trong nước và nhu cầu sử dụng các hội thoại qua video không cần quá cao thì mức hình ảnh mà webcam của Inspiron 3137 đáp ứng đủ để dùng nếu không muốn nói là khá.
Hiệu năng thực tế
So với các dòng máy mini cảm ứng phổ thông khác, Inspiron 3137 có cấu hình khá tốt, do vậy trong khi sử dụng thực tế tôi không gặp khó khăn nào đáng kể. Cụ thể, máy có thể xem phim HD thoải mái, không bị hiện tượng xé hình hay giật. Thậm chí khi test với một bộ phim chuẩn Blu-ray 720 thì máy vẫn đáp ứng tốt, nhưng tất nhiên là chỉ nên tập trung xem phim chứ không làm việc gì khác. Nên nhớ máy chỉ sử dụng chip đồ họa tích hợp Intel HD Graphics, nên việc giải trí với các game nặng là hy hữu và không nên.
Theo cảm nhận của tôi, khi xem các phim HD trực tuyến trên trang Chieu.TV vốn khá nặng nề, chiếc laptop mini của Dell vẫn đáp ứng tốt. Nhưng chú ý, đó là khi phát phim HD trực tuyến trên trình duyệt (cụ thể tôi dùng IE 10 theo mặc định) khá nặng nề, nên việc mở thêm tab khá ì ạch, đó cũng có thể coi là hạn chế của vi xử lý Intel Celeron 2955U của máy vốn không mạnh về giải trí đa phương tiện.
Không có gì ngạc nhiên khi các ứng dụng văn phòng như Microsoft Office 2010, thậm chí là cả Photoshop CC 64-bit vẫn hoạt động tốt với Inspiron 3137, các phép đo bằng Cinebench cũng thể hiện điều đó, nhất là khi so sánh với laptop cảm ứng 11.6 inch ASUS VivoBook X202E trong cùng phân khúc. Tuy nhiên, với cấu hình và màn hình khiêm tốn như thế này thì chúng ta chỉ thử cho biết chứ không nên dùng nó để làm đồ họa.
Do hạn chế về độ phân giải màn hình, bộ vi xử lý Intel Celeron 2955U và card đồ họa tích hợp Intel Graphics HD nên máy không thể thực thi hết các tác vụ khi đo hiệu năng đồ họa bằng chương trình Futuremark 3DMark 11 Professional và PCMark 8 Advanced, tuy nhiên, với 2 phép đo và game demo tương ứng ban đầu có trên 3DMark 11 thì Dell Inspiron 3137 vẫn thực thi khá tốt so với cấu hình, số khung hình chưa ổn định nhưng khá cao và mượt.
Khi GPU full load 100%, xung nhịp GPU bị đẩy lên từ 600MHz lên tới 1000MHz, cùng với đó nhiệt độ tăng vọt từ 54 độ C lên 68 độ C, đây là mức chấp nhận được so với các máy tính xách tay hiện nay. Tuy nhiên, nên sử dụng trong môi trường thoáng mát, bởi nhiệt độ tỏa ra lan tới phần chứa pin sẽ làm giảm hiệu năng pin (hao pin) nhanh hơn.
Tuy chưa có dịp thử nghiệm pin hoàn chỉnh, nhưng qua quá trình sử dụng có thể thấy pin của máy khá tốt, ngoại trừ việc thiết kế gắn liền không thể tháo rời gây bất tiện cho việc thay thế hoặc sửa chữa. Cụ thể, khi xem một bộ phim HD trực tuyến thời lượng 1 tiếng 45 phút ở chế độ toàn màn hình, âm thanh ở mức 75% và sử dụng USB 3G của Vietnamobile thì pin sụt từ 100% xuống còn 72%, nên nhớ sử dụng USB 3G dĩ nhiên là tốn pin hơn khi dùng WiFi. Như vậy, nếu xem phim HD thì laptop này có thể trụ được khoảng hơn 5 tiếng liên tục, còn sử dụng các tác vụ thông thường chúng ta có thể kỳ vọng lên tới 6,5 giờ-7 giờ (so với con số lý tưởng 8,3 giờ của nhà sản xuất).
Có được kết quả trên có lẽ công lao đầu tiên thuộc về thế hệ chip Haswell của Intel, tiếp đó là sự tối ưu trong thiết kế của các kỹ sư của Dell, bởi màn hình cảm ứng là thứ ngốn khá nhiều năng lượng, nên việc giữ hiệu năng ở mức cao nhưng vẫn đảm bảo thời lượng pin ở mức khá như thế này là điều không dễ.
Cũng như lớp vỏ được thay bằng nhựa giả kim loại, để giảm giá thành nên ổ cứng của máy cũng chỉ dừng ở mức HDD thông thường thay vì sử dụng ổ SSD tốc độ cao (nhưng đắt đỏ), hiệu năng không có gì đáng bàn vì chỉ ở mức trung bình. Mức dung lượng lưu trữ 500GB có lẽ là phù hợp với cấu hình và đích đến của máy: sử dụng văn phòng và giải trí nhẹ.