Linh kiện Asrock X99 Pro Gaming i7
Fatal1ty X99 Professional Gaming i7 là mẫu bo mạch chủ thuộc dòng chipset X99 hỗ trợ sẵn nền tảng vi xử lý Broadwell-E gần đây của Intel hướng đến đối tượng người dùng là game thủ của ASRock. Vì vậy, bo mạch chủ này có rất nhiều tính năng khá đáng giá dành cho các game thủ với một số điểm sau:
- Thiết kế tông màu chủ đạo đỏ đen điểm xuyến thêm tông trắng khá sắc sảo.
- Sở hữu bộ giáp I/O Armor bảo vệ linh kiện ngoại vi
- Trang bị 12 pha nguồn VRM
- Hỗ trợ cặp khe SSD M.2 với hai chuẩn SATA III và PCIe 3.0 x4
- Cặp USB 3.1 Type-A và C
- Module WiFi chuẩn 802.11ac
- Cặp cổng mạng LAN 1Gbps
- Đầu header chuyên dụng dành cho máy bơm tản nhiệt nước
- Bản quyền phần mềm streaming XSplit 3 tháng
- Ứng dụng tạo phím Macro Key Master và cổng chuột đặc thù Falta1ty Mouse Port dành cho game thủ
- Âm thanh cao cấp Creative SoundBlaster Cinema3 Audio.
- 3 khe PCIEx với cơ chế bảo vệ SafeSlot giúp khe cắm có độ bền cao hơn.
Điểm đầu tiên có thể nhận thấy trong thiết kế của Fatal1ty X99 Professional Gaming i7 là bo mạch chủ này vẫn giữ được ngôn ngữ thiết kế "hầm hố" từ những người tiền nhiệm đi trước nhưng được cải tiến hơn ở việc trình bày các đường mạch trên PCB sạch sẽ và ít chi chít linh kiện hơn trước. Dù vẫn sử dụng tông đen đỏ chủ đạo nhưng với việc có thêm thắt những chi tiết màu trắng vào đã khiến i7 trở nên độc đáo so với các sản phẩm Fatal1ty trước đó.
Cũng như các bo mạch chủ chipset X99 khác, i7 có đến 8 khe RAM DDR4 hỗ trợ chạy kênh 4 với tần số ép xung bộ nhớ lên đến 3300MHz và dung lượng RAM lên đến 128GB.
Với mẫu i7, ASRock đã tích hợp hệ thống pha nguồn 12+2 thời thượng qua đó có thể đảm bảo rằng khả năng cấp nguồn của bo mạch chủ này sẽ tốt và ổn định ít nhất là trên lý thuyết. Hơn nữa, để thuận tiện hơn cho người dùng benchtable, i7 có hẳn hai nút bật/tắt và reset trên bo mạch chủ qua đó người dùng sẽ không phải kiếm đại thanh kim loại nào đó chỉ để kích nguồn hay reset ở khu vực Front Panel Header nữa.
Ở phía dưới bo mạch chủ, chúng ta sẽ có 3 khe PCIe 3.0 x16 được trang bị bộ khung kim loại được gọi là Armor giúp bảo vệ các khe này trước các card đồ họa khủng long nặng nề.
Ngoài ra, i7 còn có thêm 2 khe PCIe 2.0 x1 cho phép người dùng lắp thêm các thiết bị sử dụng chuẩn kết nối này mà phổ biến là card âm thanh hoặc card adapter M.2 SSD. Chưa hết, bo mạch chủ của ASRock còn có thêm cặp khe SSD M.2 hỗ trợ các SSD M.2 kích cỡ từ 30mm đến 110mm. Lưu ý, tất cả các cổng trên khi gắn thiết bị vào có thể sẽ không chạy đồng thời do hạn chế băng thông sử dụng, do đó, bạn đọc cần xem kỹ sách hướng dẫn trước khi lắp đặt. Ngay bên dưới khe PCIe 3.0 x16 cuối cùng, chúng ta sẽ có một công tắc cần gạt chuyển đổi BIOS sử dụng. Đây là một tính năng rất hay nhằm giúp hạn chế tình trạng flash BIOS lỗi thường gây ra bởi người dùng. Vì khi đó, họ chỉ cần gạc công tắc này sang một bên thì bo mạch chủ sẽ sử dụng BIOS phụ để khởi động, và chúng ta sẽ có thể flash lại BIOS lỗi dễ dàng. Ngay sát dưới khe SSD M.2 gần với khu vực đầu Header Front Panel là đèn báo lỗi POST cho phép người dùng có thể phân tích lỗi của bo mạch chủ để có hướng xử lý nhanh.
Về âm thanh, i7 sử dụng chip xử lý âm thanh ALC1150 của Realtek được bảo vệ bởi lớp giáp cách nhiễu của Creative cùng dàn tụ âm thanh vàng của Nichicon, tỷ lệ độ nhiễu trên tín hiệu (SNR) là 115dB và bộ khuếch đại âm thanh dành cho tai nghe TI® NE5532 hỗ trợ tai nghe trở kháng lên đến 600Ohm. Hơn nữa, để có thể tùy chỉnh chất lượng âm thanh phục vụ nhu cầu trải nghiệm nhạc/phim, ASRock đã tích hợp phần mềm Creative SoundBlaster Cinema3 dành cho các Audiophile có tâm huyết về mặt này.
Dàn cổng SATA III của i7 có tổng cộng 10 cổng SATA III và 1 cổng SATA Express 10Gbps với 2 cổng SATA III được đặt ngay mặt trên bo mạch chủ.