Review bàn phím cơ "đắt xắt ra miếng" Thermaltake Level 20 RGB Titanium
Đăng ngày: 27/05/2019
Level 20 RGB Titanium là chiếc bàn phím cơ cao cấp vừa được Thermaltake công bố vào tháng 1 vừa qua tại triển lãm CES 2019. Thermaltake sản xuất hai phiên bản khác nhau của chiếc bàn phím này sử dụng switch Cherry MX Speed Silver và Cherry MX Blue. Phiên bản mà Mọt đánh giá trong bài viết này là Blue, cần lực nhấn 50 gram với tiếng click và phản hồi rõ rệt khi ấn phím. Tên gọi RGB cũng đi thẳng vào vấn đề khi nói cho game thủ biết họ sẽ nhận được một bàn phím chơi game hào nhoáng trang bị đèn LED 16,8 triệu màu, nhưng đó chỉ mới là bề nổi của tảng băng trôi.
Ngoại hình và tính năng
Ở mặt ngoài, Thermaltake Level 20 RGB Titanium được thiết kế đúng chất game thủ, với bề ngoài vuông vức, đơn giản nhưng hầm hố. Mặt trên của bàn phím là một tấm nhôm màu trắng dày 2mm, làm giá đỡ cho các switch (“dân chơi” gọi là plate-mount) đồng thời giúp bảo vệ bề mặt bàn phím và rất dễ dàng lau chùi. Nằm giữa cụm phím chính và phần phím chức năng + numpad bên tay phải là vệt đèn màu và một vết cắt sâu đem lại cảm giác hi-tech. Ngoài việc tạo điểm nhấn riêng, vết cắt này còn có một tác dụng quan trọng và rất khoa học là giữ dây tai nghe, giúp game thủ không bị vướng víu điều chỉnh dây trong lúc đang chiến đấu căng thẳng. Đặc biệt ở cạnh sau của bàn phím còn có cổng 3,5mm cho jack cắm tai nghe và cổng USB tiện lợi.
Cổng USB và jack cắm tai nghe ở mặt sau.
Vết cắt sâu để giữ dây tai nghe nằm giữa phần phím chính và các phím điều hướng.
Là một sản phẩm đắt xắt ra miếng, Level 20 RGB Titanium được chăm chút rất kỹ lưỡng về sự tiện dụng và các vật phẩm phụ trợ. Đóng gói kèm theo một số linh kiện như dụng cụ gỡ phím, một bộ 11 phím dành cho dân chơi FPS có màu đỏ rất nổi bật trên nền trắng và các phím bấm màu đen bình thường. Hơi tiếc là bộ keycap sẵn có khá mỏng và không phải double-shot, có lẽ là để khống chế giá thành cho một bàn phím vốn đã khá đắt tiền. Bù lại, các guru thích chơi keycap có thể dễ dàng thay thế bộ keycap mới phù hơp hơn.
Bàn phím khá dày do các switch được lắp trên mặt tấm nhôm (plate-mounted).
Ở góc trên bên phải là các phím bật chế độ chơi game, khóa nút Windows, đổi chế độ đèn, bộ phím multimedia, cộng thêm phím điều chỉnh âm lượng dưới dạng bánh xe tiện lợi. Ở mặt dưới là 5 chân đế bằng cao su chống trượt và các chốt điều chỉnh độ cao được thiết kế cho phép game thủ chọn hai độ cao khác nhau. Về phần đầu cắm, ngoài đầu nối dài cho dây audio 3.5mm, chiếc bàn phím này sử dụng hai cổng USB trên máy tính của bạn. Một cho vận hành của bàn phím và đầu thứ 2 (port) để nối tín hiệu riêng cho cổng USB gắn trên bàn phím.
Hai đầu USB mạ vàng và đầu jack 3,5mm lấy tín hiệu tai nghe.
Cụm phím multimedia ở góc trên.
Dù Level 20 RGB Titanium hỗ trợ plug & play và bạn có thể điều chỉnh chế độ đèn bằng phím Fn + Light Effect và cường độ sáng bằng Fn + Scroll Lock, bạn chỉ tận dụng hết sức mạnh của nó khi cài đặt ứng dụng di động và phần mềm đi kèm. Phiên bản PC của TT iTake cho bạn khả năng tùy biến tác dụng của từng phím, ghi macro, điều chỉnh màu sắc, độ sáng và chế độ sáng của từng LED trên bàn phím lẫn chuỗi đèn LED viền xung quanh. Trong khi đó, ứng dụng di động TT iTake cho phép bạn kết nối với bàn phím thông qua Wi-Fi (bàn phím dùng kết nối có dây hoặc Wi-Fi của máy tính). Việc kết nối qua ứng dụng rất dễ dàng: bạn chỉ việc cài đặt ứng dụng, chọn IP của PC có bàn phím và sau đó tha hồ chỉnh sửa chẳng khác gì khi đang ngồi trên PC. Ngoài ra nếu sở hữu nhiều thiết bị Thermaltake, bạn còn có thể dùng TT RGB Plus để đồng bộ đèn của tất cả các thiết bị này với nhau, tạo ra một cỗ PC phát sáng đồng nhịp rất đẹp mắt.
Giao diện phần mềm TT iTake trên PC.
Việc dùng ứng dụng di động để chỉnh sửa các tính năng của một bàn phím là hơi vô nghĩa, vì trực tiếp chỉnh sửa trên PC sẽ tiện lợi hơn nhiều. Tác dụng thực sự của ứng dụng di động này là khả năng điều khiển bằng giọng nói và biến màn hình di động thành một bàn phím cảm ứng có khả năng kích hoạt 4 macro khác nhau. Chuyện đổi chế độ đèn không thực sự hữu dụng, nhưng đôi khi bạn sẽ cần nó – chẳng hạn muốn đổi chế độ đèn lúc đang chơi đêm, trong khi việc biến điện thoại thành màn hình macro là một tính năng phụ trợ khá hấp dẫn – nó vừa giúp “giữ form” cho bàn phím khi không phải lo chuyện ấn nhầm phím macro, vừa phục vụ những game thủ có nhu cầu dùng macro riêng biệt.
Giao diện ứng dụng TT iTake.
Sử dụng thực tế
Bạn đừng trông đợi những thông số chi li về thời gian phản hồi hay actuation point (điểm kích hoạt) trong bài viết này, vì chúng quá phổ biến trên internet, và Mọt tui là Mọt game chứ không phải Mọt toán. Để review Level 20 RGB Titanium, tác giả chọn cách gõ rất nhiều bài viết và chiến qua một loạt Battle Royale đang nổi thời gian gần đây như Apex Legends, Firestorm (Battlefield V). Việc gõ bài trên Cherry Blue sướng thế nào thì không cần phải nói – Mọt tui sản xuất gần 20.000 chữ cộng thêm… vài chục dòng status Facebook trong thời gian sử dụng bàn phím này, và gần như không cần phải bấm backspace để sửa lỗi morasse.
Chuyện chơi game thì sao? Trên lý thuyết thì do hỗ trợ NKRO để nhận biết tất cả các phím bấm trong các tựa game đòi hỏi phản xạ nhanh nhạy, Mọt tin rằng bạn có thể chơi các tựa game đối kháng trên Level 20 RGB Titanium. Nhưng game thủ thực sự chơi đối kháng bằng controller, còn bàn phím là để cho những thể loại khác như FPS, RPG hay chiến thuật. Dù chiếc bàn phím này không phải là một phần mềm hack có thể cải thiện trình độ của người chơi trong Battle Royale, nó giúp người chơi… ăn đạn trong game theo một phương thức đầy phong cách, lấp lánh ánh đèn chẳng khác gì nhân vật chính của shoujo manga. Đặc biệt lúc cày lại Borderlands 2 (vì Borderlands 3 vừa được công bố), ánh đèn tím – cam – xanh lơ mà Mọt sử dụng có lẽ đem lại may mắn khi các trang bị xịn xuất hiện khá nhiều trong inventory. 90% số đồ đến từ Gibbed, nhưng không nói ra thì ai mà biết, đúng không nào?
Đèn LED nằm ngay trên từng switch.
Một điều tuyệt vời khác nữa trong quá trình sử dụng Level 20 RGB Titanium là nó giúp tác giả tìm được cảm giác như khi mới sử dụng bàn phím cơ lần đầu. Đó là cái cảm giác phản hồi rõ rệt và tiếng gõ giòn tan sướng tai, đã tay của switch Cherry Blue.
Dù đây là một bàn phím thuộc hàng đỉnh với chất lượng cao, chắc nịch, cũng có một vài điều mà Mọt cảm thấy đáng nhắc đến. Đầu tiên, thiết kế của bàn phím hơi cao hơn bình thường bởi nó có phần thân dày và các switch nhô lên cao khỏi bề mặt. Điều này khiến bề mặt từng phím nhô lên cao hơn một tí, nên game thủ đã quen với những bàn phím thấp sẽ cần một ít thời gian để làm quen, hoặc một chiếc đệm cổ tay để nâng bàn tay lên góc độ phù hợp. Chuyện thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là do rất thích chiếc bàn phím này, tôi khuân nó từ nhà lên tòa soạn và từ tòa soạn về nhà hàng ngày. Lớp nhôm dày của chiếc bàn phím này làm ba lô của tôi nặng hơn hẳn bình thường, nhưng đây hẳn không phải là vấn đề với đại đa số game thủ chúng ta.
Xanh đỏ tím vàng…
Kết
Thermaltake Level 20 RGB Titanium là một chiếc bàn phím kết hợp cả vẻ hào nhoáng với sự vững chãi, đơn giản nhưng hiện đại. Bên dưới lớp áo RGB đó, nó còn là một chiếc bàn phím ấn tượng, những tính năng “over the top” như điều khiển bằng giọng nói, đồng bộ với Amazon Alexa… Kết hợp cùng switch Cherry Blue, cảm giác ấn phím và trải nghiệm mà chiếc bàn phím này đem lại sẽ dễ dàng chinh phục tất cả mọi người. Trở ngại duy nhất mà game thủ cần phải vượt qua để trở thành chủ nhân của chiếc bàn phím này là mức giá của nó: khoảng 140 USD tại thị trường nước ngoài, nên có lẽ nó sẽ được bán với giá trên 3,5 triệu đồng tại Việt Nam.